Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật và kỹ năng tìm hiểu, khai thác, tra cứu pháp luật đối với đời sống xã hội và sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân

Thứ năm - 26/10/2023 10:00 182 0
Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể.
pl

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là công cụ không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Pháp luật không chỉ là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu; tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới. 
Hiểu biết pháp luật sẽ giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giải quyết nhiệm vụ, công vụ đảm bảo đúng quy định của pháp luật; trong quá trình giải quyết công việc cho cá nhân, doanh nghiệp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cá nhân, doanh nghiệp hiểu pháp luật và chấp hành các yêu cầu, quyết định của cơ quan Nhà nước.
Hiểu biết pháp luật sẽ giúp người dân hình thành lòng tin vào pháp luật; 
nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật; lên án các hành vi vi phạm pháp luật; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giúp người dân tham gia tích cực vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Khi tổ chức, cá nhân hiểu biết pháp luật và thực hiện nghiêm pháp luật sẽ góp phần loại trừ những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường an toàn, thuận lợi để đầu tư, sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã quy định phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
Trong những năm qua, các cấp, ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân góp phần đưa pháp luật vào đời sống, giúp cán bộ và Nhân dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Hầu hết cán bộ và người dân có ý thức chủ động, tích cực, thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ và Nhân dân chưa chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật; chỉ khi nào xảy ra vụ việc liên quan đến pháp luật thì mới tìm hiểu, nghiên cứu. Do đó, vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ và người dân vi phạm pháp luật, khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại thì không kịp thời được bảo vệ.
Chính vì vậy, để nâng cao hiểu biết pháp luật, qua đó thực hiện đúng các quy định của pháp luật, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi bị xâm hại, phòng tránh các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo sống và làm việc theo pháp luật; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân cần phải tích cực thực hiện nghiêm trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật đã được quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; mỗi cán bộ và người dân cần tiếp tục tuyên truyền pháp luật, vận động những người xung quanh tích cực tìm hiểu pháp luật và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
 

KỸ NĂNG TÌM HIỂU, KHAI THÁC, TRA CỨU PHÁP LUẬT
 

Trong những năm qua, người dân ngày càng tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để thực hiện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân trong quá trình tìm hiểu, khai thác pháp luật còn gặp khó khăn, lúng túng.

Sau đây là hướng dẫn một số kỹ năng tìm hiểu, khai thác, tra cứu pháp luật cho người dân:
  1. Một số nguyên tắc cần ghi nhớ khi tra cứu, áp dụng văn bản pháp luật:
- Bảo đảm tính hiệu lực:
+Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
+ Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
+ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
+ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
+ Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
+ Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
- Bảo đảm tính chính xác: Các văn bản, điều luật phải được trích dẫn chính xác, bảo đảm hiểu đúng quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện: Khi tra cứu cần phải tìm kiếm đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến sự việc chứ không phải chỉ áp dụng duy nhất một luật chuyên ngành dẫn đến thiếu sót, không đầy đủ thông tin, từ đó phân tích vấn đề có thể sai hoặc không đầy đủ.
Tuy nhiên, việc bảo đảm tìm ra đầy đủ văn bản pháp luật có liên quan không phải là đơn giản. Phương pháp tra cứu là: Tra cứu theo từ khóa; tra cứu theo cấp bậc từ luật chuyên ngành, nghị định, thông tư liên quan còn hiệu lực…
  1. Nguồn tra cứu, tìm kiếm văn bản pháp luật
- Tra cứu, tìm kiếm các văn bản pháp luật được in trên giấy: Có thể tìm kiếm tại Tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị; Tủ sách pháp luật ở cơ sở; Nhà sách.
- Tra cứu, tìm kiếm bằng Internet:
+ Có thể tìm trên google, tuy nhiên, kết quả đổ ra không phải nguồn thông tin nào cũng chính thống nên dễ xảy ra sai sót. Hiện nay, có rất nhiều đơn vị cung cấp phần mềm tra cứu hệ thống văn bản pháp luật trực tuyến, nhưng phải lựa chọn các trang web chính thống, uy tín, tin cậy.
Một trong số trang dữ liệu pháp luật chính xác, có thời gian cập nhật nhanh là:
(i) Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật: http://vbpl.vn.
Để tra cứu hiệu lực, các văn bản liên quan đến văn bản cần tìm kiếm trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, người đọc có thể xem các trường thông tin “Thuộc tính”, “Lịch sử”, “Văn bản liên quan”, “Lược đồ” khi văn bản cần tìm kiếm đã hiện ra.
(ii) Trang web văn bản của Chính phủ: http://vanban.chinhphu.vn.
(iii) Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp: www.moj.gov.vn.
(iv) Trang web hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Quốc hội: http://vietlaw.gov.vn.
(v) Trang chủ quản của đơn vị ban hành văn bản:
Ví dụ, tìm kiếm văn bản về đất đai có thể vào cng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường: www.monre.gov.vn; tìm kiếm văn bản trong lĩnh vực tài chính có thể vào cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính: www.mof.gov.vn.
(vi) Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh: https://pbgdpl.tayninh.gov.vn/

Tác giả: quantri2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây