Bến Cầu: Truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng năm 2015

Thứ hai - 28/09/2015 17:55 62 0

Bến Cầu:  Truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng năm 2015

Thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực , truyền thông, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015”, đồng thời nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, ngừa các dịch bệnh theo mùa mưa, để bảo vệ sức khỏe của người dân tại cộng đồng: Từ ngày 23.9-26.9.2015, Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu phối hợp với Trạm Y tế của 05 xã biên giới của huyện, là: Lợi Thuận, Tiên Thuận, Long Thuận, Long Khánh và Long Phước tổ chức các buổi truyền thông phòng, chống các dịch bệnh thường gặp theo mùa mưa và 03 nhóm giải pháp bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ” năm 2015.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, Trung tâm y tế Bến Cầu tiếp nhận và điều trị khỏi 11 ca mắc bệnh Sốt xuất huyết và 30 ca bệnh “Tay-chân-miệng”. Tại mỗi điểm truyền thông, có hơn 40 người đại diện cho các chủ hộ dân trên địa bàn đến dự và được nghe Bác sỹ Chuyên khoa I-Ngô Văn Chỏl-Trưởng Khoa Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu tuyên truyền về việc phòng, ngừa bệnh Sốt xuất huyết-Tay Chân miệng. Theo đó, bệnh Sốt xuất huyết có tên thường gọi là sốt Dengue, do muỗi vằn Aedes aegypti và Aedes albopictus (có đặc điểm màu đen, thân và chân có những đốm trắng) đốt người bệnh nhiễm virút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt, bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virút Dengue gây ra, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắcxin phòng bệnh. Người mắc bệnh Sốt xuất huyết có thể gây tử vong cao, đặc biệt là trẻ em. Để phòng bệnh Sốt xuất huyết: Biện pháp đơn giản, hiệu quả và dễ thực hiện nhất là diệt muỗi, loại bỏ nơi sinh sản (đẻ trứng) của muỗi vằn để không có lăng quăng phát triển thành muỗi vằn đốt người, theo phương chăm: “không có lăng quăng, không có muỗi vằn và không có Sốt xuất huyết”; mọi người phải tự phòng, chống muỗi đốt và nhận biết dấu hiệu người mắc bệnh Sốt xuất huyết, như: sốt cao đột ngột từ 39 độ C-40 độ C, liên tục 2-7 ngày, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp, nhức mắt, xuất huyết dưới da giống như muỗi chích,… để đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

 Bệnh “Tay-chân-miệng” là một bệnh lây do một nhóm virút đường ruột gây nên, thời điểm này đang có nguy cơ bùng phát mạnh thành dịch, lây lan nhanh qua tiếp xúc giữa các trẻ nhỏ cùng chung một nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ, mẫu giáo. Hiện nay bệnh “Tay-chân-miệng” chưa có vắcxin phòng ngừa, bệnh có thể gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế cần thực hiện tốt những biện pháp phòng bệnh “Tay-chân-miệng” cho trẻ, như: Thường xuyên rửa tay sạch cho trẻ, người giữ trẻ, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà bông, lau rửa sàn nhà và các khu vực sinh hoạt của trẻ bằng các dung dịch khử khuẩn; Cần đưa đi khám ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu: sốt cao, bóng nước hoặc vết loét trong miệng, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, vùng mông, đầu gối, giật mình, đi đứng loạng choạng, thở mệt,..  Trẻ bị bệnh này cần phải cách ly trong 10 ngày đầu tại nhà để tránh lây lan cho trẻ khác tại nhà trẻ, mẫu giáo, thực hiện tốt chăm sóc và 03 nhóm giải pháp, như: bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ từ nguồn thực phẩm tự nhiên, sử dụng thực phẩm bổ sung và vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân để trẻ không mắc các bệnh cấp và mãn tính, phát triển và tăng trưởng về chiều cao, cân nặng và trí tuệ thật tốt.

Quang Son

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây