Sáng ngày 13/7/2017, tại Hội trường-UBND huyện Bến Cầu tổ chức buổi Hội thảo “Xây dựng Bia tưởng niệm hai trận đánh Giồng Quéo 1 và Giồng Quéo 2”.
Đến dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí đã trực tiếp đánh trận Giồng Quéo 1 và Giồng Quéo 2, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Đảng ủy-UBND 02 xã: An Thạnh, Lợi Thuận;….
Ông Võ Minh Tâm-Chủ tịch UBND huyện, ông Phan Văn Hòa-Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu, chủ trì buổi hội thảo.
Địa danh “Giồng Quéo” thuộc địa phận ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Tây Ninh, 02 trận đánh lịch sử “Giồng Quéo 1 và Giồng Quéo 2” thất bại là bài học “xương máu” về nghệ thuật, giá trị xã hội nhân văn và giá trị lịch sử quân sự của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo Tài liệu lịch sử: Trận đánh Giồng Quéo 1 diễn ra vào khuya 29, rạng sáng 30/01/1963, đơn vị C320 (đơn vị tiền thân của Tiểu đoàn 14 LLVT Tây Ninh ngày nay) áp sát hàng rào bên ngoài chờ nội tuyến diệt tên lính gác và chiếm lô cốt đầu cầu, sẽ phối hợp nổ súng tấn công Đồn địch. Chờ mãi không thấy nội tuyến hành động, đến 05 giờ sáng hôm sau, đơn vị rút quân ra thì địch đổ quân vây chặt và dùng hỏa lực bắn ác liệt. Do địa hình nhiều ruộng sình lầy khó cơ động, cuối cùng đơn vị ta phá vòng vây về đến căn cứ Bàu Gõ (Lợi Thuận), nhưng ta bị hy sinh 08 đồng chí và 04 đồng chí bị thương. Trận đánh “Giồng Quéo 2” diễn ra vào đêm 15/01/1966, Đại đội 2/Tiểu đoàn 14 hành quân tiếp cận mục tiêu, có sự tham gia của 01 Tiểu đội Dân quân xã Lợi Thuận thì bị 01 Đại đội lính Bảo an ém trước ngoài Đồn địch nổ súng chặn lại. Đến 04 giờ sáng ngày 16/01/1966, 02 Đại đội địch từ Rừng Dầu, Mộc Bài kéo đến hình thành thế bao vây. Trận này, ta lực lượng ít và bị động nhưng dũng cảm đánh trả địch để mở đường rút về căn cứ, đã hy sinh 13 đồng chí và bị thương 06 đồng chí.
Rút kinh nghiệm qua 02 trận đấu Giồng Quéo, ta bị thất bại, đó là “Nắm tình hình địch, địa hình không chắc, cán bộ chỉ huy còn chủ quan, giản đơn; việc giữ bí mật không tốt, nên đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ và chịu tổn thất nặng nề. Từ ngày 01/3 đến ngày 05/3/1966, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 14 và Huyện đội Bến Cầu đã quyết định dùng kế nghi binh lừa địch, ta đã tiêu diệt 01 Đại đội bảo an tại xã Long Giang và làm thất bại tận càn Hattis-Burg của 02 Lữ đoàn thuộc Sư đoàn “Anh Cả Đỏ” của Mỹ và 03 Tiểu đoàn của Sư đoàn 25 Ngụy.
Hội thảo này có nhiều lượt ý kiến thảo luận rút ra ý nghĩa và bài học thực tiễn về giá trị lịch sử; cần rà soát lại thời gian diễn ra, cũng như họ tên, năm sinh các anh hùng liệt sỹ của ta đã hy sinh và việc chọn địa điểm để xây dựng bia tưởng niệm của 02 trận đánh Giồng Quéo,…. để làm nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sỹ LLVT và thế hệ trẻ về sau này. Đồng thời, hội thảo lần này, huyện cũng lấy ý kiến để chọn vị trí xây dựng Di tích lịch sử “Căn cứ Huyện ủy Bến Cầu” ở Rừng Nhum Long Phước và lập hồ sơ, đề nghị cấp trên công nhân 02 xã Long Khánh, Long Phước là “xã Anh hùng LLVT nhân dân” trong thời gian tới./.
Quang Son
Ý kiến bạn đọc