Nếu ai đã từng đến xã Long Phước trước đây, nay có dịp trở lại thì không thể nhận ra diện mạo mới với nhiều thay đổi của một vùng quê được cho là nghèo nhất nhì của tỉnh. Qua 5 năm nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã xây dựng hoàn thành 19/19 chỉ tiêu theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mớivào năm 2015, và đây là xã biên giới đầu tiên trong tỉnh được công nhận xã Nông thôn mới.
Đối với xã Long Phước có vị trí địa lý được cho là không thuận lợi, vì đây là nông thôn sâu, biên giới có đường giáp biên với Campuchia dài 9 km; tổng diện tích đất tự nhiên không nhiều chỉ hơn 3.200 ha; mật độ dân cư thưa với 466 hộ dân và 1.926 nhân khẩu. Trước đây, xã Long Phước được cho là xứ sở của "Chó ăn đá, gà ăn muối", điều kiện kinh tế - xã hội cònrất nhiều khó khăn, đời sống người dân thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nhưng nông nghiệp chủ yếu chỉ tập trung cho cây lúa, với nông dân nơi đây việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp còn là điều xa lạ. Trong khi đó lĩnh vực thương mại, dịch vụ khó có thể phát triển. Điều kiện cho giáo dục, sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Mặt khác, tình hình an ninh trật tự từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp do địa bàn xã tiếp giáp biên giới. Đó là những thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương như xã Long phước.
Khi bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đều khó nhất ở địa phương là làm sao cho người dân hiểu đúng, hiểu rõ ràng về ý nghĩa và tâm quan trọng của việc xây dựng Nông thôn mới. Tâm sự với chúng tôi, Ông Đỗ Quang Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: "Ban đầu người dân không hình dung Nông thôn mới là như thế nào, mục đích, ý nghĩa và lợi ích của nó là gì, kể cả không ít cán bộ, đảng viên cũng chưa rõ. Đối với cấp ủy, chính quyền phải có vai trò quan trọng là làm thế nào gỡ được nút thắt này, nói cách khác là phải tuyên truyền cho mọi người nhận thức đầy đủ được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Nông thôn mới. Qua trãi nghiệm thực tế về công tác tuyên truyền, có thể khẳng định rằng nếu nhận thức của người dân thông thì có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề. Đối với Long Phước điều đó đã đúng khi chứng minh được những việc làm cụ thể". Để giải quyết được vấn đề này, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tập trung phân tích rõ mục đích, ý nghĩa thiết thực và lâu dài để địa phương phát triển bền vững, người dân được hưởng lợi những gì và cùng chung tay đóng góp ra sao khi tham gia xây dựng Nông thôn mới. Với những nỗ lực không ngừng, "Trái ngọt" đã được sinh sôi, tất cả cán bộ, đảng viên, mọi người dân đều đồng tình hưởng ứng và cùng chung tay dựng Nông thôn mới ở địa phương.
Là một xã biên
giới đạt chuẩn Nông thôn mới sớm nhất của tỉnh, đã tạo điểu kiện cho địa
phương phát triển về mọi mặt. Ngày nay đến với Long Phước mọi người đều
ngỡ ngàng với một diện mạo của vùng nông thôn hoàn toàn mới, từ kết cấu
hạ tầng nông thôn đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân phát
triển qua từng ngày. Người nông dân đã biết cách làm mới trong sản xuất,
đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; thâm canh, tăng vụ, biết ứng dụng
khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó kinh tế gia đình không ngừng được
nâng lên. Đời sống văn hóa nông thôn không ngừng tiến bộ. Bác Nguyễn Bá
Tăng, một người dân có thời gian gắn bó lâu năm với quê hương Long
Phước đã phấn khởi tâm sự: "Tôi thấy khoảng 5 đến 6 năm nay, ở xã
Long phước đã phát triển tốt về nhiều mặt. Đường xá được thông thoáng,
đi lại dễ dàng; kênh mương đã đưa nước về đến từng mảnh ruộng, miếng
vườn của nông dân; trường học khang trang; thuốc thang chữa bệnh cũng dễ
dàng; ai cũng có công ăn việc làm ổn định, kinh tế khá giả hơn lúc
trước; mọi người an vui phấn khởi, quan tâm đùm bọc nhau. Khi chính
quyền có yêu cầu gì thì người dân tích cực cùng nhau tham gia, không còn
cảnh "nhà ai nấy biết" như trước nữa. Phải nói Chương trình xây dựng
Nông thôn mới đã làm thay đổi cuộc sống người dânnơi đây".
Để xây dựng đạt chuẩn xã Nông thôn mới đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực rất lớn, nhất là đầu tư cho kết cấu hạn tầng. Đối với Long Phước phải đầu tư nhiều hơn, vì khi khảo sát vào năm 2011 xã chỉ đạt 2/19 tiêu chí (tiêu chí về sinh hoạt văn hóa và đảm bảo an ninh trật tự), như vậy phải đầu tư gần như toàn bộ. Qua 5 năm xây dựng, tổng mức đầu tư lên đến hơn 102,5 tỷ đồng, trong đó người dân ở địa phương đóng góp quy đổi thành tiền được gần 2 tỷ đồng. Đối với người dân Long Phước đây là con số không hề nhỏ, vì hoàn cảnh bà con nơi đây vào thời điểm đó vẫn còn rất khó khăn. Trong tổng số 24 người đóng góp đất với diện tích gần 1,74 ha thì riêng ông Lê Văn Bê đóng góp đến khoảng 1,1 ha đất, tính theo thời giá năm 2011 gần 600 triệu đồng (thời giá hiện nay khoảng trên 1 tỷ đồng).
Với nguồn lực đầu tư từ các cấp và ở địa phương, bộ mặt nông thôn ở Long Phước ngày nay đã hoàn toàn mới, đường giao thông đi lại, vận chuyển hành hóa nông sản thuận tiện, sạch đẹp làm cho người dân hết sức phấn khởi. Toàn xã có 37 km đường đều được tráng nhựa và trãi sỏi phún, trong đó: 04 tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện dài 18,12 km đã được tráng nhựa; 02 tuyến đường trục ấp và đường liên ấp, chiều dài 1,2 km đã được trải sỏi phún; 13 tuyến đường trục chính nội đồng với chiều dài trên 17 km, đã cứng hoá đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, không còn cảnh lầy lội như trước nữa. Hệ thống thủy lợi, đã đầu tư bê tông hóa được 17 tuyến kênh với chiều dài 8.175m phục vụ chủ động tưới tiêu diện tích khoảng 2.380 ha, bên cạnh còn phục vụ cho hoạt động phòng chống thiên tai, đây đã là điều kiện thuận lợi để người dân chủ động tăng gia sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi và sinh hoạt.Ánh sáng vùng quê đã được thắp lên, làm thay đổi hoàn toàn nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây thông qua thực hiện chương trình điện khí hoá nông thôn, điện lưới Quốc gia đã về cung cấp cho cho 100% hộ dân (465 hộ) có đủ điều kiện để sinh hoạt và sản xuất.
Nông thôn mới đã làm thay đổi không ngừng bộ mặt giáo dục nơi đây. Nếu như trước đây trường lớp xây dựng còn tạm bợ, xuống cấp con em đến lớp với bao nỗi khó nhọc, thì ngày nay trường lớp khang trang, sạch sẽ đón tất cả học sinh trong niềm hân hoan, phấn khởi. Toàn xã có 03 trường học ở 3 cấp học gồm mẫu giáo, tiểu học và THCS được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 90%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 45%.Đây là những tính hiệu rất lạc quan về sự nghiệp giáo dục ở Long Phước.
Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Học tập cộng đồng của xã, nhà văn hóa ấp được xây dựng đạt chuẩn quy định, đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân. Các hoạt động về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức dày hơn, đa dạng và nhiều màu sắc hơn; mọi người gần gũi, gắn kết, thân thiện nhau hơn. Tất cả 3 ấp đã được công nhận và giữ vững danh hiệu "ấp văn hóa" liên tục nhiều năm liền; tính đến cuối năm 2017 số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa trên 73%. Từ đó cho thấy, nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân ở vùng biên cũng được cải thiện rất nhiều.Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực y tế ở địa phương rất được quan tâm, đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Ý thức bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, tính chia sẽ cộng đồng của người không ngừng được nâng lên, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 80%.
Những điều kiện về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm, về an sinh xã hội đã tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập qua từng. Nếu như trước năm 2011 mức bình quân thu nhập của người dân chưa đến 20 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2017 mức thu nhập này lên đến gần 45 triệu đồng/người/năm.Khảo sát năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo lên đến 26,75%, thì đến nay chỉ còn có 9 hộ chiếm tỷ lệ 1,93 %. Toàn xã hiện nay có 466 nhà kiên cố cấp 4, không có nhà tạm, nhà dột nát. Ở Long Phước hầu như mọi người dân trong độ tuổi lao động đều có việc làm ổn định, qua kết quả thống kê cho thấy có 1.156/1.124 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên chiếm đến trên 97%. Đây là con những số rất đáng mừng trong việc giải quyết bài toán an sinh xã hội.
Lĩnh vực bảo vệ môi trường ở nơi đây cũng được thực hiện rất tốt. Toàn xã có 100% hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; tất cả 19 tuyến đường được người dân thường xuyên làm vệ sinh trước nhà mình; 100% số hộ dân thực hiện phân loại tự tiêu hủy theo hình thức chôn hoặc đốt tại nhà; mỗi khu dân cư của ấp có hệ thống mương tiêu thoát nước mưa, nước thải không ngập úng vào mùa mưa; 100% hộ xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo 3 sạch; 144/144 hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.
Quốc phòng – an ninh được đảm bảo, địa phương không ngừng củng cố và xây dựng. Lực lượng dân quân "vững mạnh, rộng khắp" và luôn hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng. An ninh, trật tự xã hội luôn được giữa vững, người dân luôn có cuộc sống bình yên, không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế và giảm liên tục so với các năm trước.
Xin mượn lời Bác Nguyễn Bá Tăng để kết thúc bài này:"Nông thôn mới đã làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây". Nhưng đây chỉ là bước khởi đầu của quá trình lâu dài để đưa Long Phước phát triển bền vững về mọi mặt như niềm momg mõi của người dân nơi vùng sâu biên giới, tất cả điều phụ thuộc vào sự quyết tâm, phấn đấu, kiên trình của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Phước.
Ý kiến bạn đọc