Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân

Thứ ba - 24/09/2019 23:00 78 0

Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân

Sáng ngày 23/9/2019, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

IMG_01.jpg

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Là công cụ nòng cốt triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trong 17 năm qua.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết hiện nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.Trong đó, chương trình tín dụng cho hộ nghèo dư nợ đạt 35.888 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ, với hơn 1,1 triệu hộ đang còn dư nợ; hộ cận nghèo dư nợ đạt 31.572 tỷ đồng, chiếm 15.8% tổng dư nợ, với 894 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 4.091 tỷ đồng so với năm 2015; hộ mới thoát nghèo dư nợ đạt 33.159 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng dư nợ với trên 1 triệu hộ còn dư nợ, tăng 29.655 tỷ đồng so với năm 2015... Ngoài ra, các chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường; cho vay giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn và các chương tình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

"Có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân", theo ông Dương Quyết Thắng.

Tại huyện Bến Cầu, tính từ đầu năm 2016 đến ngày 31/08/2019, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 11.282 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Đến 31/8/2019 tổng dư nợ NHCSXH huyện đạt 246.381 triệu đồng, tăng 77.422 triệu đồng so năm 2015, bình quân hàng năm dư nợ tăng 10,25%; với 9.314 hộ vay còn dư nợ. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay là 0,3% trên tổng dư nợ, giảm 0,05% so năm 2015.

Trong 05 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 310 lượt hộ nghèo, 1.375 lượt hộ cận nghèo, 1.191 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền 85.201 triệu đồng; giúp cho 900 lượt HSSV vay vốn đi học với số tiền 9.166 triệu đồng; giúp cho 6.597 lượt hộ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường với số tiền 86.650 triệu đồng; giúp cho 3.586 lượt hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn vay vốn với số tiền 106.872 triệu đồng; tạo việc làm, duy trì vả mở rộng việc làm cho 1.019 lao động với số tiền 21.502 triệu đồng.

Tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tín dụng chính sách sẽ tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang NHCSXH; phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV). Để phát huy vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu GNBV, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tích cực chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40/CT-TW năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kế hoạch 401 về triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt các chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước, ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyên không hoàn lại thông qua NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững; các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa các công việc được NHCSXH ủy thác bảo đảm cho vay đúng chính sách đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng. Đề nghị không chỉ cho vay đúng chính sách mà phải hướng dẫn cho sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, nhất là coi trọng chất lượng tín dụng cho một số đối tượng, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro, chú ý đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ tín dụng.

                                                                                                                                              NHCSXH Bến Cầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây