Bến Cầu- Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5(khoá VIII)

Thứ sáu - 25/10/2013 16:25 74 0

Bến Cầu- Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5(khoá VIII)

Nghị quyết TW5 (khóa VIII) của Đảng về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế địa phương Bến Cầu còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng thấp kém, nhất là việc đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nơi đây còn là địa bàn trung chuyển các sản phẩm văn hóa độc hại từ Vương quốc Campuchia vào Việt Nam. Mặt khác, do ảnh hưởng chung của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, nhanh chóng và phức tạp; những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mạng Internet…tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân. Nghị quyết TW5 (khóa VIII) ra đời là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Cầu làm cơ sở lý luận nâng cao nhận thức và hành động, xem “…văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế xã hội” ở địa phương.

 

 

Công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng là cốt lõi

Theo ông Bùi Viết Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Cầu: “việc tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết TW5 là việc làm cơ bản, cốt lõi của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và đó cũng là nền tảng để các cấp đưa nhanh Nghị quyết đi vào cuộc sống”.  

Ngoài Nghị quyết TW5 (khóa VIII), ở từng thời điểm địa phương  tổ chức triển khai, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực văn hóa; tổ chức các lớp học chuyên đề bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước; xây dựng đạo đức trong thời kỳ mới cho cán bộ, đảng viên; đồng thời thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị…Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia các đợt triển khai, quán triệt trung bình trên 98 % và tổ chức học tập rộng rãi trong quần chúng nhân dân.

 

Hoạt động của các ngành thông tin đại chúng trong việc bám sát nhiệm vụ chính trị ở địa phương theo từng thời điểm được đánh giá phong phú về cả nội dung, và hình thức. Theo đánh giá của Huyện ủy Bến Cầu, qua triển khai, quán triệt và học tập đã tạo được sự chuyển biến mới về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, khơi dậy ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc; sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa từng bước được nâng lên qua từng năm, làm nền tảng cho việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa mới.  

Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đưa nội dung xây dựng đời sống văn hóa vào nghị quyết và xem đó là một tiêu chí đánh giá, xếp loại trong sạch vững mạnh ở các chi, đảng bộ cơ sở và từng cơ quan, đơn vị .

 

Những “điểm sáng” trong hành động

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai thực hiện khá đồng bộ, làm cơ sở cho việc thực hiện các cuộc vận động: Xây dựng gia đình văn hóa; ấp (khu phố), đơn vị văn hóa, tiến tới từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nếu như Năm 2002 xét công nhận: gia đình văn hóa chỉ đạt 86,40 %; ấp, khu phố 2,5%; cơ quan, đơn vị văn hóa 62,5% đến nay xét công nhận đạt: gia đình văn hóa 95,63 %; ấp, khu phố, văn hóa 97,5 %; cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 100%. 

 

Truyền thống nêu gương ông bà, cha mẹ mẫu mực và con cháu thảo hiền trong mỗi gia đình được khơi dậy và nhân rộng qua từng năm, năm 2002 xét được 623 gương, đến nay có 804 gương, truyền thống này đã tác động tích cực đến đời sống tinh thần trong các tầng lớp dân cư. Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách, neo đơn được quan tâm giúp đỡ; tinh thần đoàn kết, tương trợ trong xóm ấp được được giữ gìn và phát huy. 

 

Mặt khác, trước đây, việc cưới còn nhiều trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân tự nguyện, nạn tảo hôn, hôn nhân có yếu tố nước ngoài vì lợi ích kinh tế, vi phạm chế độ một vợ một chồng; tổ chức đám cưới xa hoa, lãng phí không phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc.  

Tục xem ngày, giờ để tẩn liệm người chết kéo dài quá quy định và chôn cất trong đất thổ cư ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; hoạt động của thầy cúng, thầy tụng, các đội nhạc tang hoạt động tùy tiện; tục rãi vàng mã trên đường đưa tang diễn ra phổ biến.

Các hoạt động lễ hội thường chú trọng về phần hội, chưa quan tâm đến phần lễ, việc lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan của một số phần tử chưa được quan tâm ngăn chặn.

Qua 15 năm nỗ lực thực hiện, những chuyển biến của xã hội diễn ra theo chiều hướng tích cực, thể hiện những nét đẹp về văn hóa, văn minh trong cuộc sống, truyền thống của dân tộc, tình cảm, trách nhiệm trong cộng động dân cư được gắn kết nhiều hơn từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu từ nhiều đời để lại trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Bộ mặt nông thôn ngày nay có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên, nhận thức về văn hóa và nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong các tầng lớp nhân dân đã có những chuyển biến rõ nét. 

Theo báo cáo của ngành Văn hóa thông tin, tất cả các xã, thị trấn hiện nay đều có tủ sách, Thư viện huyện hàng năm đều bổ sung sách, nâng tổng số sách hiện có trên 17.000 đầu sách sách, báo các loại đáp ứng cơ bản nhu cầu bạn đọc.

Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được củng cố và không ngừng phát triển, hiện có 8/9 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng Trung tâm văn hoá thể thao - học tập cộng đồng; xây dựng 13 sân bóng đá, trong đó có 07 sân sân bóng đá mini do tư nhân đầu tư, 20 sân bóng chuyền đơn giản và các khu vui chơi giải trí, các câu lạc bộ thể dục thể thao, đây là những nơi nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và học tập chuyên đề, thu hút nhiều người tham gia, đáp ứng đáng kể về nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, từ đó tỷ lệ  dân số tập thể dục thể thao thường xuyên đến nay đạt 26,51%. 

 

Sự nghiệp văn học nghệ thuật có bước phát triển mới, phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội, các câu lạc bộ hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, hiện Chi hội Văn học nghệ thuật huyện có 47 hội viên làm nồng cốt trong việc xây dựng phong trào và các hoạt động văn học nghệ thuật ở địa phương. Qua 15 năm sưu tầm, bảo vệ, giữ gìn và sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật hiện địa phương lưu giữ 99 tác phẩm, chuẩn bị lựa chọn để in ấn phẩm phát hành rộng rãi.

Công tác giáo dục truyền thống được tăng cường bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực. Biên tập và phát hành, phổ biến các tập sách: “Truyền thống Cách mạng huyện Bến Cầu thời kỳ 1945- 1975”, “Lịch sử Đảng bộ huyện thời kỳ 1975-2000” và “Truyền thống đấu tranh Cách mạng xã An Thạnh thời kỳ 1945-1975” các nội dung này được đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường THPT trong huyện từ năm 2002 đến nay. 

Hiện địa phương có 25 di tích lịch sử văn hóa và di tích lịch sử Cách mạng, trong đó có 9 di tích cấp tỉnh được công nhận và Di tích Địa đạo Lợi Thuận được cấp Trung ương công nhận, đây là niềm tự hào của Đảng và nhân dân Bến Cầu, và địa phương đầu tư trùng tu, tôn tạo Di tích này với tổng kinh phí dự toán khoảng 30 tỷ đồng.  

Bên cạnh đó, xác định lễ hội tâm linh là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, các di tích văn hóa đình thần đều duy trì qua các đợt cúng Kỳ yên hàng năm, hình thức tổ chức ngày càng đa dạng, phong phú với những nét riêng của từng lễ hội, thể hiện tính nhân nghĩa, tính trung hiếu, uống nước nhớ nguồn của dân tộc đối với cha ông ta có công dựng nước và giữ nước.

Đi đôi với xây dựng và phát triển các mặt của đời sống văn hóa, công tác tăng cường quản lý, kiểm tra và xử ký các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội được quan tâm. Các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở tổ chức kiểm tra, xử lý trên các cơ sở dịch vụ vi phạm trên lĩnh vực văn hóa, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn nhiều sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta, tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.

15 năm tuy thời gian không dài, nhưng những động thái chuyển biến tích cực về văn hóa trong các mặt trong đời sống xã hội đem lại cho một huyện biên giới như Bến Cầu bộ mặt mới đầy hứa hẹn, là động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.

 

                                                                                      Đình Nhật

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây