Trao đổi:
Xưng hô trong sinh hoạt chi bộ, là một trong những hình thức mang tính nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng. Hai từ “Đồng chí” thể hiện được tính đồng lòng, tính đồng đội; là những người cùng chí hướng nhằm thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng, của Cách mạng đó là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hình thức xưng hô này, trước hết nêu cao tính dân chủ, bình đẳng giữa các đảng viên với nhau, nhất là đảm bảo được tính nghiêm túc trong sinh hoạt Đảng. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để mỗi đảng viên thể hiện tính chiến đấu, tính xung kích trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, cũng là diễn đàn dân chủ trong thảo luận, đóng góp các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng; cấp trên và của chi bộ. Hai từ “Đồng chí” không chỉ thể hiện qua hình thức xưng hô mà còn nói lên tình đồng chí, đồng đội trong nội hàm của nó. Ở đó, mỗi cán bộ, đảng viên có điều kiện đóng góp thẳng thắn, thể hiện quyền bình đẳng, tình đoàn kết trên tinh thần xây dựng để cùng nhau tiến bộ. Nhất là góp phần đảm bảo tính nguyên tắc “Tập trung dân chủ”, nguyên tắc “Tự phê bình và phê bình” trong sinh hoạt Đảng của mỗi đảng viên.
Thời gian qua, còn không ít chi bộ quan tâm chưa nhiều đến hình thức xưng hô này. Mặt khác, một số cấp ủy suy nghĩ vấn đề này còn giản đơn nên chưa có biện pháp chấn chỉnh. Những hình thức xưng hô này tùy tiện như: “cô dì, chú bác, anh chị em; anh bảy, chị ba…”. Cách xưng hô này do tập quán gia đình, dòng họ; trong sinh hoạt cộng đồng làng xã để lại, đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người, tạo thành thói quen không thể sửa một sớm, một chiều. Ở môi trường khác, một số chi bộ trường học, việc xưng hô “thầy cô, con em” cũng rất phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do chênh lệch về thâm niên nghề, về độ tuổi, do trước đây những đảng viên này từng là thầy, cô giáo dạy học cho số đảng viên trẻ.
Với cách xưng hô như vậy, trước hết đã vô tình xác lập vị trí cao thấp giữa những người đảng viên với nhau trong quá trình sinh hoạt. Tâm lý người nhỏ tuổi đối diện trước người lớn tuổi, nhân viên đối diện với lãnh đạo…luôn hiện diện trong cách nhìn của mỗi đảng viên. Thế nên, việc đóng góp, góp ý của họ đối với lãnh đạo, với từng cấp ủy viên, với những người đi trước về tuổi nghề thường rất dè dặt, e ngại, không dám nói thẳng sự thật, nhất là khi nói về những khuyết điểm, hạn chế của họ. Điều này tác động không nhỏ đến những nỗ lực đề cao tính dân chủ, bình đẳng trong sinh hoạt Đảng.
Ngược lại, với cách xưng hô như vậy, tâm lý những đảng viên lớn tuổi, có thâm niên nghề; những đảng viên là lãnh đạo đơn vị, cấp ủy viên thường rất khó tiếp nhận khi lớp đảng viên trẻ góp ý, phê bình, nhất là đối với những khuyết điểm, hạn chế của mình. Thông thường trong hoàn cảnh đó, họ quên đi tính bình đẳng, tính dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà chỉ nghĩ đến “cái tôi” của bản thân.
Nhìn dưới góc độ khác, việc xưng hô “Xuề xòa” như vậy vô hình trung đã tạo nên môi trường thiếu nghiêm túc trong sinh hoạt Đảng. Thế nhưng, khi sử dụng hai từ “Đồng chí” thì mỗi người sẽ tự thấy trách nhiệm và bổn phận của mình với tư cách là một đảng viên. Tạo nên cho mỗi đảng viên một tâm thế vững vàng, nghiêm túc, có trách nhiệm trước những vấn đề chi bộ đặt ra hoặc khi cần trao đổi, thảo luận. Đi sâu hơn, với tinh thần, thái độ nghiêm túc thông qua cách xưng hô nghiêm túc, mỗi đảng viên sẽ tự thấy vai trò của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chung của tập thể, góp phần làm cho mỗi đảng viên có điều kiện tự soi rọi lại bản thân, tự nghiêm khắc với chính bản thân mình, cầu thị lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội và ngược lại. Đó cũng là nhiệm vụ của người đảng viên thực hiện nguyên tắc “Tự phê bình và phê bình” trong sinh hoạt Đảng
Hình thức xung hô này xét về mặt xã giao thì nó cũng như một trong các hình thức xã giao khác. Tuy nhiên, khi tiếp cận chiều sâu về mặt nội dung thì nó có một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, điều mà mỗi tổ chức cơ sở đảng đều luôn hướng đến. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần thiết phải điều chỉnh lại cách xưng hô và xử sự thật nghiêm túc, đúng nghĩa với hai từ “Đồng chí”.
Đình Nhật
Ý kiến bạn đọc