Bến Cầu tự hào có 12 khu di tích Lịch sử-Văn hóa

Thứ tư - 15/01/2020 23:00 2.304 0

Bến Cầu tự hào có 12 khu di tích Lịch sử-Văn hóa

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Canh Tý 2020, với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, huyện Bến Cầu cũng tự hào với 12 khu Di tích lịch sử-văn hóa được công nhận, vì đã có nhiều đóng góp chung vào thành quả Cách mạng dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân; đặc biệt là những chiến công vang dội của quân và dân Bến Cầu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bến Cầu là một trong 9 huyện thành phố thuộc tỉnh Tây Ninh, diện tích tự nhiên trên 233km2, là huyện nông thôn biên giới, có đường biên dài 31,5 km giáp Vương quốc Campuchia. Hiện có 8 xã và thị trấn, dân số trên 70 ngàn người, chủ yếu sống bằng nghề nông. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước huyện Bến Cầu được giải phóng vào ngày 15/3/1975 trước Tây Ninh hơn một tháng. Từ sau ngày giải phóng miền Nam, huyện và 02 xã Lợi Thuận, An Thạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Trong công cuộc giải phóng dân tộc, đã dựng lên nhiều Đình thần, chùa, miểu và căn cứ Cách mạng. Tính đến nay trên địa bàn huyện Bến Cầu hiện có 01 khu Di tích cấp Quốc gia và 11 khu Di tích cấp tỉnh gồm:

Thứ 1. Địa đạo Lợi Thuận thuộc ấp Thuận Hòa, xã Lợi Thuận, được xây dựng tháng 7/1963 đã liên tục củng cố, phát triển và giữ vững cho đến ngày giải phóng toàn huyện Bến Cầu. Trong những năm 1966-1968, tại đây quân dân Bến Cầu đánh bại hàng chục cuộc càn có quy mô lớn cấp tiểu đoàn, trung đoàn của Mỹ-ngụy; có trận diệt gọn cả tiểu đoàn quân Mỹ, đẩy lùi cả 12 chi đội xe bọc thép của Mỹ-ngụy.

Địa đạo Lợi Thuận là căn cứ bám trụ vững chắc, liên tục trên 10 năm chiến đấu gian khổ của quân, dân huyện Bến Cầu; vừa là hậu cứ, vừa là tiền tiêu trong chiến tranh du kích của huyện, kết hợp với địa hình tác chiến liên hoàn toàn khu vực. Khu trung tâm địa đạo nằm trên vùng đất gò cao, cách xa mặt nước ngầm, rộng hàng chục hecta. Các lõm rừng nguyên sinh, các hàng tre gai, tầm vông trong cụm dân cư đã tạo ra một địa hình kính đáo, vững chắc phù hợp cho việc xây dựng và chiến đấu. Di tích hiện còn 500m địa đạo vẫn còn nguyên trạng sau gần 45 năm.

Địa đạo được bố trí thành 3 cụm liên hoàn; cụm tiền tiêu hướng về quốc lộ 22A có 02 công sự chiến đấu và nhiều công sự cá nhân; cụm trung tâm là đoạn giữa địa đạo có công sự chiến đấu và các cửa hầm bí mật rút xuống địa đạo; cụm về hướng tây nối liền với hệ thống giao thông hào chiến đấu, thuận tiện cho việc đánh và rút lui, phòng thủ địa đạo. Tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt với những chiến thuật, chiến tranh du kích sáng tạo của Cách mạng Việt Nam theo phương châm "lấy ít, đánh nhiều". Một nghệ thuật chiến tranh nhân dân bám đất, giữ làng, tạo yếu tố bất ngờ với thế trận "thiên la địa võng" đã tạo nên tiếng vang lẫy lừng, gây cho địch nghe đến phải khiếp sợ vì bị nhiều thất bại nặng nề. Địa đạo Lợi Thuận được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, do Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận ngày 12/10/1993, là niềm tự hào của quân và dân Bến Cầu anh hùng.

Ngày 19/7/2013 huyện Bến Cầu triển khai thực hiện công trình tôn tạo Di tích địa đạo Lợi Thuận, với tổng mức đầu tư hơn 25,4 tỷ đồng, đây là công trình văn hóa nhóm C cấp IV, gồm nhiều hạng mục, trong đó tôn tạo, phục hồi nguyên hiện trạng một đoạn địa đạo dài khoảng 150 mét, đã hoàn thành vào cuối năm 2013. Đây cũng là nơi hàng năm Bến Cầu tưng bừng tổ chức Hội trại tòng quân, tiển đưa thanh niên lên đường nhập ngũ, các hoạt động về nguồn của lực lượng đoàn viên thanh niên và học sinh, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, hội thi, hội diễn…đáp ứng sự mong đợi của các lão thành cách mạng "là nhân chứng sống" và nhân dân địa phương, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, sự hy sinh cao cả của cha anh đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Địa đạo còn là địa điểm du lịch đầy hứa hẹn cho du khách đến tham quan.

Thứ 2. Di tích khảo cổ học gò Dinh Ông là một di tích cư trú thuộc thời kỳ tiền sử, đã được cán bộ Bảo tàng tỉnh phát hiện vào năm 1985, tọa lạc tại ấp Voi, xã An Thạnh, di tích nằm trên gò đất cao 5m, phía xung quanh rộng trên 3ha, nằm sát con rạch lớn thông ra sông Vàm Cỏ Đông, tại giữa gò nhân dân địa phương lập 1 ngôi đền thờ gọi là gò Dinh Ông. Di tích được khai quật năm 1990, có 1 hố rộng 60m2 và 3 hố thám sát, mỗi hố rộng 2m2, tầng văn hóa dày 2,2m. Kết quả thu được hàng vạn mảnh gốm, hàng trăm công cụ đá cùng với bộ sưu tầm xương động vật khá lớn, cho thấy cộng đồng cư dân cổ ở Dinh Ông là một xã hội sinh động và ổn định; các nhà khảo cổ học xác định di tích có niên đại từ 2.700 đến 3.000 năm, mang hai đặc điểm văn hóa Đông và Tây Nam Bộ.

Thứ 3. Đình Long Giang tọa lạc tại ấp Bảo, xã Long Giang, có cách nay hơn 150 năm, thờ thần Lãnh Binh Két. Đình xây dựng gồm 3 lớp (tiền đình, chánh đình và hậu đình), với những hàng cột gỗ to kê đá tảng 40cm. Do tàn phá của chiến tranh nay chỉ còn lại phần hậu đình với diện tích 264m2, tường xây gạch, mái lợp ngói. Tuy nhiên các đồ thờ tự, trang thờ, bát bữu, rùa hạc, chiêng trống vẫn được bảo vệ và trưng bày theo đúng nghi lễ của đình.

Thứ 4. Căn cứ Rừng Nhum là nơi bám trụ của Huyện Ủy Bến Cầu, tọa lạc tại ấp Phước Đông, xã Long Phước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1960-1975, căn cứ Rừng Nhum giữ một vị trí rất quan trọng đối với huyện, kẻ địch tìm mọi cách để đánh phá tiêu diệt, nhưng quân và dân Bến Cầu biết dựa vào ý Đảng, lòng dân đánh trả quyết liệt và bẻ gãy nhiều cuộc càn chiến lược của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề, giữ vững địa bàn và bảo vệ toàn căn cứ, là chiến trường tiêu diệt địch mà còn là nơi xuất phát, là bàn đạp của ta trong tiến công địch trên mọi mặt trận...

Thứ 5. Chùa Bửu Long (chùa Bàu Tượng) tọa lạc tại ấp Xóm Khách, xã Long Giang, có cách nay hơn 180 năm. Nơi đây là điểm khởi nghĩa của quân và dân xã Long Giang, điểm huấn luyện quân sự, bệnh viện điều trị thương binh. Sư Nhật Ân cởi áo cà sa mặc quân phục chỉ huy lực lượng vũ trang xã, đánh Pháp dưới hệ thống Chi đội 11 của Tỉnh ủy Tây Ninh, do ông Trần Văn Đẩu chỉ huy. Năm 1946 Pháp bắn và dội bom hủy diệt, ngôi chùa Bàu Tượng bị sụp đổ hoàn toàn; trải qua 4 lần trùng tu, sửa chữa ngày nay mới được khang trang, nằm trên tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là gần 24.023m2.

Thứ 6. Đình Long Thuận tọa lạc tại ấp Long Hòa, xã Long Thuận được xây dựng trong thời kỳ khai hoang mở đất, dựng làng, lập ấp, thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và những vị tiền hiền có công xây dựng và bảo vệ quê hương, cách nay hơn 100 năm. Do ảnh hưởng thiên tai đình bị sập hoàn toàn; đến năm 2009 xã tổ chức lễ khởi công trùng tu đình Long Thuận, công trình xây dựng 2 hạng mục: chính điện và hậu điện, với diện tích trên 240m2, nằm ngay khu dân cư đông đúc, mặt đình quay về hướng Bắc nhìn ra rạch Vàm Bảo. Lễ Kỳ yên được cúng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, đây là dịp để cho dân chúng địa phương và các nơi tề tựu về đây bày tỏ lòng thành kính của mình đối với các vị thần, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

Thứ 7. Di tích Bến Đình tọa lạc ấp B, xã Tiên Thuận là một địa điểm khảo cổ học còn lưu lại những phế tích của các công trình xây dựng đền tháp cổ, đã phát hiện ít nhất 4 chân tháp cổ ở gò đất cao 5m, có một chân tháp nhân dân lập một ngôi miểu thờ Miểu Bà; cặp sông Vàm Cỏ Đông còn phát hiện các hàng cọc bằng cây trai lớn, có đường kính 0,6m, dài 1,2m, đầu nhọn được đóng sâu dưới đất, đầu bằng phía trên, cách mặt đất 20cm; chứng tỏ đây là 1 khu dân cư đông đúc lâu đời; ở các chân phế tích tháp phát hiện rất nhiều gạch, ngói ống, ngói trang trí, ngói hình chóp, gốm nhiều chủng loại, kiểu dáng, màu sắc...; tầng văn hóa dày từ 0,8m đến 1,2m. Bến Đình là một khu di tích quan trọng, có thể đây vừa là cảng thị vừa là khu vực sản xuất vật liệu, xây dựng nhiều đền đài thờ cúng thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo, hậu Óc Eo trên vùng đất Tây Ninh, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X.

Thứ 8. Thành Bảo Long Giang, thuộc ấp Bảo, xã Long Giang, được xây dựng sớm nhất, là lỵ sở đầu tiên của huyện Quang Hóa đã để lại dấu ấn lịch sử cho đến nay hơn 200 năm, thờ thần Lãnh Binh Két. Thành Bảo Long Giang vừa là trụ sở hành chính, vừa là cấu trúc quân sự bằng đất, thể hiện khoa học quân sự của ông cha ta cách nay 2 thế kỷ, đây là đối tượng nghiên cứu về các lĩnh vực quân sự.

Thứ 9. Đình Trung Long Khánh tọa lạc tại ấp Long Châu, xã Long Khánh có cách nay hơn 100 năm, kiến trúc đình theo kiểu chữ nhị, gồm 2 lớp nhà song song (tiền đình và chính đình), có diện tích xây dựng là trên 117m2, nằm trong khuôn viên đất rộng 736m2, thờ tiền hiền Trần Văn Thiện. Ngoài việc phá rừng khai hoang lập ấp, ông Thiện còn chiêu mộ và thành lập đội quân tự vệ trang bị vũ khí thô sơ, luyện tập võ nghệ, chống thú dữ, chống giặc cướp phá, giữ gìn bờ cõi và bảo vệ thành quả của mình; khi ông mất nhân dân địa phương vô cùng thương tiếc, ngôi đình được xây dựng ở vùng đất Ngũ Long, để tưởng nhớ đến công đức sâu dày của ông. Lễ Kỳ yên diễn ra vào 02 ngày, 15 và 16/12 âm lịch hàng năm.

Thứ 10. Căn cứ Bàu Rong (Ban An ninh Tây Ninh), tọa lạc tại ấp Long Cường, xã Long Khánh. Trong những năm kháng chiến 1961-1975 căn cứ Bàu Rong giữ một vị trí quan trọng đối với địa bàn huyện Bến Cầu, mà kẻ thù tìm mọi cách đánh phá, nhưng lực lượng Ban An ninh đánh trả quyết liệt và bẻ gãy nhiều trận càn của địch, bảo vệ an toàn căn cứ. Để lưu danh sự hy sinh cao cả, với những chiến thắng vẻ vang của Ban An ninh; Công an Tây Ninh cho xây dựng đài và nhà bia tưởng niệm, để khắc ghi lại một quá khứ vinh quang của cán bộ, chiến sĩ ngành an ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thứ 11. Đình Long Chữ tọa lạc tại ấp Long Giao, xã Long Chữ, được xây dựng cách nay trên 100 năm, thờ quan đại thần Huỳnh Công Thắng. Năm 1972 do chiến tranh tàn phá, đình bị đổ nát nhiều. Đến năm 1997 ngôi đình mới được trùng tu lại trên tổng diện tích gần 4.222m2, kiến trúc theo kiểu chữ Nhị (gồm chính đình và hậu đình), được thiết kế theo kiểu nhà bánh ít, mái lợp ngói, tường xây gạch tô vữa. Lễ Kỳ yên diễn ra vào 02 ngày, 15 và 16/2 âm lịch hàng năm.

DSC01312.JPG

Thứ 12. Căn cứ Chi bộ và xã đội Long Khánh thời chống Mỹ, tọa lạc tại cánh đồng Bàu Vuông, thuộc ấp Long Cường, xã Long Khánh có tổng diện tích hơn 2.470m2, trong phạm vi rừng nguyên sinh còn vết tích 02 hầm công sự, 01 ụ chiến đấu và giao thông hào, là nhân chứng của lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước, đoàn kết quân dân, nơi ghi dấu nhiều chứng tích lịch sử hết sức sống động, những trận đánh quyết liệt bảo vệ tốt vùng căn cứ cách mạng, an toàn hành lang vận chuyển binh khí kỹ thuật cho đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện cho quân đoàn 232 áp sát Nam Sài Gòn trong tổng tiến công 1975.

Tất cả các Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử, 11 di tích của huyện có đủ các điều kiện xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận theo từng thời điểm khác nhau. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng, nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của di tích lịch sử-văn hóa. Tuy ngân sách Nhà nước có hạn, do vậy cần có sự huy động các nguồn xã hội hóa, trong các tầng lớp nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử-văn hóa là việc làm cần phải có giải pháp hợp lý, kịp thời và sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, sự phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thì mới đạt hiệu quả cao./.

                                                                                                                                         LÊ QUY

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây