Trong xã hội ngày xưa cũng như xã hội ngày nay, dù cuộc sống phải lo toan cơm áo gạo tiền, nhưng những bậc sinh thành vẫn hết lòng, hết sức khích lệ, động viên con cái trong gia đình theo đuổi ước mơ con “chữ”, hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho những đứa con thương yêu của mình.
Truyền thống hiếu học là một trong những truyền thống tốt đẹp, ý nghĩa của người Việt Nam nói chung và quê hương huyện Bến Cầu nói riêng. Quê hương Bến Cầu anh hùng với những chiến công đầy tự hào trong thời chiến, nhưng cũng sản sinh ra không ít những tấm gương, những gia đình, những dòng họ hiếu học, điển hình như gia đình ông Trương Văn Thức, ngụ ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, người dân trong vùng không ai là không biết đó là một gia đình có truyền thống hiếu học.
|
Gia đình ông Trương Văn Thức |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó. Năm 1966 ba ông lâm bệnh nặng, nhưng gia đình ông vẫn quyết tâm cho ông đi học, đến năm 1977 kinh tế gia đình ngày càng trở nên khó khăn hơn, ông Trương Văn Thức phải bỏ học khi ông đang học trường Đại học kinh tế tài chính để về phụ kinh tế gia đình. Rồi năm 1979 ông tham gia quân đội, công tác tại Campuchia, mãi đến năm 1982 ông trở về công tác tại huyện Bến Cầu, đến năm 1985 ông kết hôn cùng Chị Huỳnh Thị Thiếp là một giáo viên dạy tiểu học. Ông nhớ lại cái thời còn nghèo khó; “cuộc sống thiếu trước, hụt sau với đồng lương ít ỏi của thời bao cấp, vợ chồng ông sống chung với ông bà nội và cô út, trong 1 căn nhà chật hẹp, mùa mưa thì dột, mùa khô thì có ánh nắng mặt trời trong nhà, nhưng cũng đành cam chịu, thế nhưng ước mơ con chữ vẫn theo ông trên từng bước đi, lấy sự học tập làm động lực để phấn đấu thành đạt về mọi mặt”
Nói được là làm được, ông cùng vợ ông lo toan mọi mặt về kinh tế gia đình, ngoài việc làm ở cơ quan, ông còn làm ruộng, vợ thì chăn nuôi thêm để có thu nhập chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Với nghị lực của người bộ đội Cụ Hồ đầy sức phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ vươn lên từng ngày, không những duy trì, đảm bảo kinh tế gia đình mà còn động viên, khích lệ tinh thần học tập cho những người con. Để làm gương cho các con, vợ chồng ông luôn sống hạnh phúc, cư xử với mọi người xung quanh hòa nhã, đúng mực. Đối với việc học tập của con cái, ông đã quan tâm, chăm lo, theo dõi thường xuyên, khích lệ, động viên kịp thời những mặt tốt của con và giáo dục các con sự tự giác, say mê học tập, ông Thức nói: “các con của ông đến nay đều có việc làm ổn định, vợ chồng tôi rất mừng, thật không tiếc công sức mình bỏ ra”
Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ, sau những ngày đèn sách nỗ lực hết mình, đến nay người con gái lớn Trương Thị Trường Thi đã tốt trường Đại học kinh tế tài chính ngân hàng, hiện đang công tác tại Ngân Hàng BIDV-Tây Ninh, tiếp tục luyện thi cao học, còn cô gái út Trương Thị Ngọc Thu đã tốt nghiệp trường Đại Học Nông Lâm đang công tác tại Ban quản lý kinh tế Tây Ninh. Sau lưng áo đẫm mồ hôi của người cha với tình thương vô bờ bến, các con ông đã trưởng thành, vào đời, tạo được việc làm cho bản thân cũng như không phụ lòng công sức, sự hy sinh của cha mẹ. Ông tâm sự: “ông sống trong một gia đình có truyền thống hiếu học, gia đình rất phấn khởi, ông cũng thường xuyên nhắc nhở động viên các con sau này, dù khó khăn đến đâu cũng phải quyết tâm cho các con, cháu học đến nơi đến, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát huy tốt truyền thống hiếu học của gia đình”.
Ngoài những đợt tuyên dương gia đình hiếu học ở địa phương, gia đình ông Trương Văn Thức còn là gia đình văn hóa nhiều năm liền. Đáng quí hơn ở gia đình hiếu học này là không chỉ tỏa sáng về tri thức mà còn cùng vun đắp tình yêu thương, gắn kết giữa các thành viên. Trong gia đình, ông Thức luôn dạy con mình đùm bọc, cùng nhau vượt qua khó khăn và đối với hàng xóm phải có tình tương thân tương ái. Sự gương mẫu trong cuộc sống và cái nôi gia đình coi trọng học vấn của ông Trương Văn Thức và bà Huỳnh Thị Thiếp chính là tấm gương sáng để nhiều gia đình học tập và góp phần cho phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học ngày càng nhiều hơn, xây dựng thành công xã hội học tập và phát triển quê hương đất nước phồn vinh.
Nguyễn Thiện